So sánh sự tiện dụng của Toyota Hilux 2016 và Ford Ranger 2016
Có thể nói Ford Ranger Wildtrak được trang bị những tính năng an toàn khiến cả những mẫu sedan sang trọng cũng phải ghen tị, vậy nên không
Thị trường xe bán tải Việt Nam ngày càng nhộn nhịp nhờ vào giá thành hợp lý, chính sách ưu đãi thuế đặc trưng dành cho dòng xe này, bên cạnh đó là sự đa dụng cũng như tiện nghi ngày càng hoàn thiện. Ông hoàng của phân khúc hiện nay chính là Ford Ranger, vốn đã trình làng mẫu facelift 2016. Vào đầu tháng 10/2015, Toyota với mục tiêu thách thức vị thế độc tôn của đối thủ Hoa Kì đã cho ra mắt thế hệ Hilux 2016 gồm 3 phiên bản với những nâng cấp về nội – ngoại thất. Để bài so sánh cân sức, hai đối thủ được chọn sẽ là Toyota Hilux 3.0L 4×4 AT 2016 và Ford Ranger Wildtrak 3.2G 4×4 AT 2016, cả hai có được những trang bị và tính năng tốt nhất của dòng xe.
Giá bán
Hai phiên bản cao cấp nhất của Hilux 2016 và Ranger 2016 có giá bán ở thời điểm hiện tại như sau:
Toyota Hilux 2016 3.0L 4×4 AT: 914 triệu đồng
Ford Ranger 2016 Wildtrak 3.2L 4×4 AT: 918 triệu đồng
Mức chênh lệch nhỏ có lẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến yếu tố kinh tế khi khách hàng phải lựa chọn một trong hai vì mỗi mẫu xe đều có những giá trị sử dụng riêng đặc trưng cho triết lý của nhà sản xuất. Nếu Toyota hướng đến sự thực dụng và khả năng sử dụng lâu dài thì Ford đại diện cho chiếc xe mạnh mẽ và hiện đại trong từng chi tiết.
Ngoại thất
Có thể thấy kích thước tổng thể của Ranger phần nào nhỉnh hơn đối thủ ở mọi hướng, dù chiều dài cơ sở kém 135mm nhưng khoảng sáng gầm của Hilux lại cao hơn 56mm, còn lại bán kính quay vòng của cả hai không quá chênh lệch. Trong khi chiếc bán tải của Ford có không gian nội thất thoải mái hơn thì khoang chở hàng mà Toyota mang đến có thể tích lớn hơn, giúp cho việc chuyên chở hàng hóa, hành lý thêm phần thuận tiện.
Toyota đã mạnh dạn từ bỏ triết lý thiết kế trung tính thường thấy để Hilux 2016 phần nào không bị lép vế khi đặt cạnh đối thủ, các đường nét mạnh mẽ được sử dụng nhiều hơn giúp tổng thể chiếc xe cứng cáp và rắn rỏi hơn so với thế hệ trước. Còn Ranger 2016 vốn đã định hình được tên tuổi với phong cách hầm hố “kiểu Mỹ” nhưng không kém phần lịch lãm.
Nhìn từ phía trước, Ranger trông cứng cáp và hiện đại với lưới tản nhiệt, cản xe kích thước lớn được ốp chrome, đèn sương mù và cụm đèn Projector có cảm biến ánh sáng thiết kế gọn gàng sắc nét. Ở phía đối diện, Hilux đầy đặn với các đường gân nổi bao bọc đèn sương mù và cản dưới, lưới tản nhiệt ba thanh ngang mạ chrome sang trọng phối hợp khéo léo cùng dàn đèn pha LED/Projector, đèn LED chạy ban ngày, ngoài ra Toyota còn tạo thêm điểm nhấn với hốc hút gió nổi bật trên nắp capo.
Cả hai đều được trang bị tay nắm cửa mạ chrome, gương chiếu hậu chỉnh/gập điện và tích hợp đèn báo rẽ, nhưng nếu Hilux 3.0G bọc chrome thì Ranger Wildtrak có tính năng sấy điện. La-zăng hợp kim 17 inch của chiếc bán tải Nhật Bản khá đơn giản so với bộ mâm đúc 6 chấu kép 18 inch góc cạnh của đối thủ.
Ở đuôi xe không có quá nhiều khác biệt, trừ cụm đèn hậu 3 tầng của Ranger so với 2 tầng của Hilux và việc Toyota bố trí đèn báo phanh phụ trên cửa sau thay vì đặt phía trong cabin như Ford.
Nội thất
Nhờ vào kích thước và khoảng cách trục nhỉnh hơn mà không gian bên trong Ford mang đến phần nào thoải mái và dễ chịu hơn. Phong cách nội thất của Hilux 3.0G lịch lãm với hai màu đen và kem sang trọng đi cùng các chi tiết mạ chrome bắt mắt, Ranger Wildtrak đúng với tên gọi khi mang phong cách phóng thoáng, trẻ trung với gam màu cam nổi bật ở ghế ngồi cũng như các đường chỉ trang trí khắp cabin.
Hai đối thủ có ghế lái chỉnh điện 8 hướng, hàng ghế trước thiết kế tựa lưng lớn ôm sát và gối đầu cao cho cảm giác ngồi êm ái, hàng ghế sau trang bị 3 tựa đầu cũng như gác tay có hộc để ly, riêng chất liệu ghế có đôi chút khác biệt khi Wildtrak dùng da pha nỉ cao cấp còn Hilux 3.0G bọc da hoàn toàn.
Độ nghiêng lưng ghế phía sau của Ranger là thoải mái và thư thái hơn nhưng Ford chỉ trang bị ổ cắm điện dành cho các thiết bị điện tử thay vì hốc gió phụ cho hàng khách như Hilux.
Toyota và Ford mang đến bảng tablo lịch lãm nhưng không kém phần hiện đại, nhưng trong khi Wildtrak nổi bật với sự cân đối, cứng cáp và lấy màn hình cảm ứng 8 inch là điểm nhấn thì Hilux 3.0G có xu hướng dồn sự tập trung về bên người lái với các đường nét mềm mại uyển chuyển.
Tay lái ba chấu của Hilux và bốn chấu Ranger đều được bọc da và tích hợp các nút chức năng, thiết kế cứng cáp và đầy đặn phù hợp với việc điều khiển một chiếc bán tải mạnh mẽ.
Toyota mang đến cho Hilux cụm hiển thị Optitron với hai đồng hồ vận tốc xe – vòng tua động cơ đối xứng qua màn hình đa thông tin, thì phía đối diện, Ford trang bị đồng hồ vận tốc – vị trí tay số nằm giữa hai màn hình TFT 4.2 inch. Tất cả đều mang phong cách hiện đại và dễ dàng quan sát.
Trang bị tiện nghi
Về mặt trang bị tiện nghi cho hành khách, cả hai mẫu tải có được những tính năng hiện đại nhằm phục vụ đầy đủ nhu cầu xử dụng của hành khách cũng như tài xế. Mở đầu là hệ thống âm thanh 6 loa hỗ trợ CD/Radio/MP3 và kết nối USB/AUX/Bluetooth, riêng Hilux bổ sung định dạng WMA trong khi Ranger có kết nối iPod, nổi bật hơn cả là SYNC2 cho phép cài đặt điều khiển bằng giọng nói đi kèm màn hình cảm ứng 8 inch và bộ phát wifi.
Kế đến là hệ thống điều hòa tự động, gương chiếu hậu trong hai chế độ ngày/đêm, cửa kính điều chỉnh điện, chìa khóa thông minh cùng nút bấm khởi động, khóa cửa từ xa. Một vài khác biệt nhỏ khi Ford trang bị cho Wildtrak hệ thống kiểm soát hành trình Cruise Control, gạt mưa tự động còn Toyota cung cấp gạt mưa theo giai đoạn và có thêm tính năng sấy cửa sau.
Động cơ – Vận hành
Ranger Wildtrak rõ ràng mạnh mẽ hơn nhờ vào động cơ có dung tích 3.2 thay vì 3.0 như Hilux 3.0G, cũng như mang đến sức kéo tốt hơn khi phối hợp cùng hộp số tự động 6 cấp so với chỉ 5 cấp ở đối thủ. Xét về khả năng hoạt động bền bỉ thì có lẽ khó ai qua mặt được động cơ mà Toyota đã sử dụng cho các thế hệ Hilux trước, bên cạnh đó là khả năng tiết kiệm nhỉnh hơn Ranger.
Ranger có tay lái trợ lực điện tử cùng chức năng khóa vi sai cầu sau trong khi Toyota chỉ trang bị trợ lực dầu cho tay lái, ngoài ra thì cả hai đều sử dụng gài cầu điện tử nhằm chuyển từ dẫn động một cầu sang hai cầu. Về khả năng lội nước, có lẽ chiếc pick-up từ Hoa Kì không có đối thủ với thông số 800mm chịu ngập.
An toàn
Có thể nói Ford Ranger Wildtrak được trang bị những tính năng an toàn khiến cả những mẫu sedan sang trọng cũng phải ghen tị, vậy nên không quá ngạc nhiên khi Toyota Hilux 3.0G đành chịu cảnh lép vế ở hạng mục này.
Kết luận
Cuộc tranh tài vốn chỉ mới bắt đầu và cả hai cần thời gian để thể hiện mình và chinh phục khách hàng. Toyota Hilux 3.0G giữ vững được sự bền bỉ đồng thời nâng tầm thiết kế bên ngoài lẫn bên trong năng động, rẻ trung hơn. Ford Ranger tiếp tục mang đến phong thái mạnh mẽ cũng như những trang thiết bị hiện đại và an toàn vượt trội.
Leave a Reply